Thị trường bất động sản “khó ở” vì sức ép tỷ giá
|
Ảnh chỉ có tính minh họa (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
“Lỡ” tay đăng ký mua căn hộ chung cư tại một dự án lớn trên đường Phạm Hùng bằng USD, mấy ngày hôm nay, anh Hà đứng ngồi không yên vì nếu tính theo đà tăng của tỷ giá, anh sẽ phải bỏ thêm ra một khoản tiền không nhỏ.
Trong bối cảnh giá USD “nhảy múa,” các ngân hàng cũng nói không với cho vay bất động sản, thị trường tương đối nhạy cảm này cũng đang vào chu kỳ “khó ở.”
Không chỉ một mình anh Hà chịu đắng vì chuyện tỷ giá, rất nhiều nhà đầu tư vào thị trường căn hộ chung cư đang phát sốt vì khoản tiền gia tăng sau cơn biến động này.
Đã nộp tiền nhà đợt đầu cho một dự án chung cư khu vực Thanh Trì với giá 900 USD/m2, vừa ra Tết, anh Đức Phước, một nhà đầu tư tại Nam Định nhận được “tin dữ” rằng đợt 2 anh sẽ phải cộng thêm vào khoản thanh toán gần 40 triệu đồng. Phía chủ đầu tư cho hay, đây không chỉ là khoản chi phí bù trượt giá mà còn bao gồm cả tính phí vật liệu đang rục rịch leo thang.
“Chỉ một đêm ngủ dậy, tôi đã mất đứt một khoản tiền lớn. Trong khi phần lớn số vốn đổ vào dự án này là tiền đi vay mượn bằng Việt Nam đồng, nên giờ tôi chưa biết phải xoay xở thế nào,” anh Phước thành thật.
Tính chi li theo mức trượt giá hiện tại, căn hộ 120 m2 của anh sẽ bị tính trội thêm hơn 100 triệu đồng nữa.
Điều đáng nói là mặc dù Pháp lệnh ngoại hối đã quy định mọi giao dịch, thanh toán... trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý..., thế nhưng tại Hà Nội có rất nhiều dự án vẫn niêm yết giá bán căn hộ bằng tiền USD.
Đình đám nhất phải kể đến là dự án cao nhất Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại – tổ hợp Keangnam Landmark Tower trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội). Từ khi mở bán căn hộ đến nay, việc niêm yết giá cũng như 100% các giao dịch được thực hiện bằng đồng USD. Khách hàng thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam sẽ được quy đổi ra USD theo tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Trên bảng niêm yết giá của các công ty bất động sản lớn như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam hay nhiều đại lý nhà đất khác, các dự án có giá rao bán bằng USD cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Chẳng hạn tại CBRE Việt Nam, dự án Hillstate Villa 1 trên đường Tô Hiệu, Hà Đông (Hà Nội) đang được niêm yết giá dao động từ 1.200 đến 1.500 USD/m2, dự án chung cư Canal Park Apartment ở Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) có giá 1.200-1.450 USD/m2…
Tương tự, dự án Indochina Plaza Hanoi (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cũng được chủ đầu tư và các đại lý niêm yết giá dao động từ 2.800 đến 3.000 USD/m2… Các dự án nhỏ hơn như Mulbery Lane, Sky City Tower (đều ở Hà Đông) giá niêm yết từ 1.800 đến 2.300 USD/m2…
Riêng tại dự án căn hộ cao cấp Indochina Plaza, đại diện phân phối độc quyền dự án vẫn khẳng định, mặc dù tỷ giá đang biến động, nhưng các giao dịch vẫn diễn ra bình thường. Phía chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra bất kỳ một quyết định nào liên quan đến việc tăng giá bán.
Trước đó, năm 2010, giới đầu tư bất động sản đã phải một phen "méo mặt" vì vụ kiện ồn ào xung quanh dự án Hattoco, 110 Trần Phú, Hà Đông cũng vì chuyện tỷ giá. Theo đó, trong hợp đồng mua bán với khách hàng, chủ đầu tư đã đưa thêm điều khoản giá mua, bán căn hộ tại thời điểm thanh toán có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá USD. Vì vậy, nhiều người lo ngại, chu kỳ “nhảy múa” của USD đầu năm nay sẽ khiến họ lại phải đau đầu hơn nữa.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaland Invest, trong tình hình tỷ giá biến động, người mua nhà chắc chắn sẽ bị thiệt hại lớn, bởi với các hợp đồng mua bán căn hộ thuộc dự án niêm yết bằng giá USD, ước tính người mua nhà thường bị “thiệt hại” khoảng 10% giá trị hợp đồng. Mua nhà bằng USD sẽ khiến người đầu tư phải chịu thiệt đơn thiệt kép.
Không chỉ vậy, tỷ giá tăng cũng khiến cho nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào trở nên cao hơn. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa xiết chặt lại vốn vay cho lĩnh vực này.
Thực tế, hiện nhiều công trình đang phải thi công cầm chừng vừa vì thiếu vốn, vừa vì vật giá đầu vào đang tăng cao hơn so với dự tính ban đầu của họ. Công nhân cũng đòi tăng lương bởi mức 2-3 triệu đồng/tháng hiện tại không đủ để trang trải, vì vậy sức ép đang tăng dần với các doanh nghiệp.
Một chủ công trình tại Mỹ Đình thành thật: “Chúng tôi buộc phải thương lượng với khách hàng để bù vào tiền phụ trội vật liệu nhưng nguồn vốn thì cạn dần do rất khó vay từ ngân hàng. Vì vậy, tiến độ công trình bị chậm lại. Một ngày chậm là bị phạt 50 triệu đồng. Quả thực, doanh nghiệp làm bất động sản đang chết dở với tỷ giá"./.
Sơn Bách (Vietnam+)